Vợ ơi! Hãy nghe anh khuyên

Chúng mình chung sống với nhau 18 năm, đã có với nhau hai cậu con trai kháu khỉnh, có biết bao kỷ niệm vui buồn, sóng gió. Nhưng giờ đây, anh phải nói với em những điều cần nói bởi anh không thể chịu được sự coi thường chồng, gia đình nhà chồng của em ngày càng rõ rệt, mức độ tái phạm ngày càng nghiêm trọng.
Em tưởng rằng em kiếm được tiền nhiều hơn anh là em có thể coi thường anh vậy sao? Sao em không tự hỏi: nếu không có cửa hàng của gia đình nhà chồng cho thuê thì em có được lộc làm ăn như vậy không? Nếu em thuê cửa hàng ở nơi khác liệu em có kiếm được không? Khi đó em kiếm tiền bằng cách nào? Trình độ, nghề nghiệp của em ra sao? Em cũng tự biết. Anh biết rằng anh có lỗi trong cuộc sống, không kiếm tiền nhiều như nhiều người, nhưng cũng đủ để chi tiêu tằn tiện cho một gia đình nhỏ bé. Chính vì lẽ đó mà anh đã sai lầm khi mắc vào con đường cờ bạc, để em phải buồn phiền, phải trả nợ cho anh. Nhưng anh đã biết, đã sửa chữa sai lầm, từ bỏ cờ bạc, chăm lo con cái để giúp em có điều kiện, thời gian lo kinh tế cho gia đình. Anh cũng đóng góp chút ít cho kinh tế gia đình chứ có phải không đâu. Nhưng mọi chi tiêu trong gia đình, em có hỏi qua anh đâu. Điều đó đối với anh không quan trọng, điều quan trọng nhất đối với anh là cách cư xử với gia đình nhà chồng, với mẹ chồng. Em coi ô sin hơn cả mẹ anh, khi có xích mích giữa mẹ anh và ô sin thì bao giờ em cũng đứng về phía ô sin. Anh thật đau lòng khi phải chứng kiến những sự việc như vậy.

Anh biết em gái anh đã cư xử không phải với em, làm em căm giận. Anh không trách em chuyện đó, nhưng cháu anh có tội gì mà em lại căm giận không thèm cưu mang? Còn các cháu của em thì sao? Anh có đối xử với chúng như vậy không? Mặc dù cha mẹ chúng cũng làm anh căm ghét. Khi em bực tức thì em đã xúc phạm anh. Các cụ ta từ xưa đã có câu "của chồng, công vợ". Một công nhân như anh trong thời buổi kinh tế thị trường, ăn chia theo cấp bậc, chức vụ, hệ số, thử hỏi được bao nhiêu. Anh đã lo trách nhiệm tiền học ở truờng, học thêm ở ngoài, gia sư tại nhà, tiền ăn sáng cho đứa con lớp 7, tiền điện thoại, internet. Chưa kể tiền quà vặt, đồ chơi cho đứa con út. Còn lại chút ít anh dùng vào việc mua xăng, ăn sáng, cơ quan, bạn bè... Như vậy làm sao anh còn khả năng mua sắm được một thứ gì? Vả lại sức khoẻ anh không được như trước kia. Chính vì khả năng kinh tế và sức khỏe của anh như vậy, nên anh không muốn can thiệp vào việc chi tiêu của em cho bên nhà ngoại.

Em làm anh quá thất vọng. Càng ngày anh càng nhận thấy em coi thường anh trong từng cử chỉ, ánh mắt, lời nói. Qua dòng tâm sự này, anh khuyên em hãy nhìn nhận lại mọi sự việc, mọi vấn đề để có thể thay đổi phần nào cách sống, cách ứng nhân, xử thế phù hợp với lời dạy ngàn đời của tổ tiên để lại, để cuộc sống của gia đình được cải thiện, hạnh phúc bền lâu. Chào vợ yêu!

Đăng nhận xét

BUÔN MÊ BUỒN